19/12/2024 11:00 135
Thời gian vừa qua, tình trạng in lậu, làm sách giả gia tăng dưới nhiều hình thức khác nhau, từ truyền thống đến các nền tảng công nghệ. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đối với văn hóa đọc, niềm tin của độc giả, của những người làm sách, cùng với nhiều hậu quả khác về văn hóa, kinh tế, xã hội.
Bên cạnh việc cung ứng sách thông qua hệ thống nhà sách truyền thống, các đơn vị xuất bản có thể phân phối sách trực tiếp đến độc giả thông qua các trang thương mại điện tử. Độc giả có thể dễ dàng mua sách từ bất cứ nơi đâu, có thể mua trực tiếp từ các đơn vị xuất bản mà không cần qua các khâu trung gian, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet. Các trang web bán sách nổi tiếng như tiki.vn hay fahasa.com, các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada dường như không còn xa lạ với độc giả, đặc biệt là giới trẻ.
Công nghệ phát triển tạo nên sự thay đổi diện mạo ngành xuất bản, song cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức đối với việc bảo vệ bản quyền sách in. Các hành vi vi phạm càng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, khó phát hiện hơn, đồng thời việc phát tán sách vi phạm nhanh chóng và tinh vi hơn. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các đơn vị kinh doanh nghiêm túc cũng như hình ảnh của ngành Xuất bản Việt Nam.
Hiện nay, tình trạng sách giả, sách lậu được rao bán, quảng cáo công khai, tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, TikTok. Nhiều người vì sự tiện lợi, giá rẻ đã đặt mua để rồi nhận về những cuốn sách kém chất lượng, vi phạm bản quyền. Trên nền tảng TikTok, vào các buổi tối, nhiều tài khoản thực hiện livestream (phát trực tiếp) bán sách, với lời quảng cáo “giờ vàng giá sốc, giảm đến 50% cho sách hot trong ngày”. Ngoài việc rao bán từng cuốn, người bán còn tạo ra những combo, kết hợp nhiều quyển sách với nhau cho một lần mua. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, người mua dễ dàng hoàn thành giao dịch.
Truy cập vào một số trang (fanpage) bán sách trên Facebook như: “Sách hay mỗi ngày”; “Hội săn sách giảm giá”…, sẽ thấy nhiều cuốn sách hay đã được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 đến 80%. Ngoài việc “giảm giá sâu”, người bán còn tạo các combo hấp dẫn như: mua 5 cuốn tặng 1; mua 10 cuốn tặng 1 + đèn mini + bookmark.
Nhiều fanpage mang tên: “Tủ sách Tinh hoa”, “Tủ sách trí tuệ”, “Kho sách giảm giá”… nhưng thực tế là bán các sách giả, sách lậu. Thậm chí có những fanpage bán sách còn sử dụng hình ảnh đại diện là logo của nhà xuất bản, đăng lại nội dung các bài viết từ trang web chính thức của nhà xuất bản để tạo lòng tin của khách hàng. Rất nhiều người không biết đây là trang giả mạo cho nên đã mua phải sách giả, sách lậu, chất lượng kém và vi phạm bản quyền.
Sách giả, nhất là sách giáo khoa giả gây hệ lụy khó lường. Thời gian qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hiện hơn 3,3 triệu quyển sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ trái phép tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh sách in thì trên các nền tảng số, sách nói (audio book) và sách điện tử (ebook) cũng dễ dàng bị sao chép qua các trang web, ứng dụng di động, các nền tảng trực tuyến. Nhiều nội dung sách được mua bán, trao đổi, chia sẻ mà không có sự cho phép của tác giả hoặc nhà xuất bản.
Có thể thấy, sách lậu, sách giả không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, tác giả, mà còn gây thiệt hại cho cả người mua, người đọc. Nhiều cuốn sách giả, sách lậu không qua kiểm định chất lượng, không được thẩm định nội dung, có những nội dung thông tin sai lệch, đã tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin của người đọc. Việc tải sách lậu từ các nguồn không đáng tin cậy về máy tính cá nhân, điện thoại di động… còn có thể khiến người dùng bị lộ, lọt thông tin cá nhân.
Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chủ yếu xử phạt hành chính đối với các hành vi phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép, sao chép tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, với mức phạt từ 20 triệu đồng đến 35 triệu đồng (Nghị định số 159/2013 và Nghị định số 131/2013), vì vậy chưa đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận thu được lại rất lớn. Bên cạnh đó, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lừa đảo, gian lận thương mại, trong đó có nạn sách giả, sách lậu, trong khi hành lang pháp lý còn có những khoảng trống.
Để khắc phục tình trạng in lậu trong tình hình hiện nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có công văn đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, hoạt động của Đoàn liên ngành và các đội liên ngành trong công tác phòng, chống in lậu tại địa phương. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua đó, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ tập trung rà soát lại hành lang pháp lý; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Luật Xuất bản; đồng thời tiếp tục kiến nghị cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện các quy định để theo kịp tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, cần sự chủ động nhận biết và nói không với sách giả, sách lậu của người đọc. Sự chung tay của cả cộng đồng không chỉ góp phần lành mạnh hóa hoạt động xuất bản, mà còn thể hiện lối sống văn minh, biết trân trọng những giá trị tinh thần đích thực của nhân loại.
Tác giả: Huỳnh Văn Xô
19/12/2024 11:00 135
19/12/2024 11:00 106
19/12/2024 11:00 149
10/12/2024 15:00 342
10/12/2024 12:00 332
01/11/2024 06:22 Phản ánh khẩn
15/08/2024 14:38 Phản ánh khẩn
29/11/2023 19:39 Phản ánh khẩn
26/10/2023 15:09 Phản ánh khẩn
19/10/2023 10:56 Phản ánh khẩn
12/10/2023 17:07 Phản ánh khẩn